Tin tức

Nhượng quyền thương mại (franchise) và li-xăng (license)

Ngày nay, có lẽ người tiêu dùng không còn lạ lẫm với những mô hình nhượng quyền thương mại (Franchise); từ lĩnh vực ẩm thực cho đến thời trang, giáo dục, công nghệ; từ những chuỗi cửa hàng sang trọng cho đến những cửa hàng trà chanh vỉa hè. Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích kinh tế to lớn của mô hình kinh doanh này, khi chúng dễ dàng phát triển, mở rộng quy mô, nhanh chóng “quen mặt” với người tiêu dùng. Bên cạnh hoạt động nhượng quyền sôi nổi này, có một hình thức cũng khá tương tự đó là li xăng (Licence). Tại bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hai hình thức kinh doanh này, để hiểu hơn về chúng cũng như có những lựa chọn kinh doanh phù hợp.

Theo Điều 284 Luật thương mại quy định:

“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”

Còn với thuật ngữ “li xăng”, đây là một thuật ngữ pháp lý quen thuộc nhưng lại chẳng thể tìm thấy nó xuất hiện trong một văn bản pháp luật nào. Bản chất nó là hoạt động “chuyển quyền sử dụng” đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ, cụ thể bài viết này sẽ phân tích về các đối tượng sở hữu công nghiệp. Tại khoản 1 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của mình trong phạm vi quyền sử dụng của mình”.

Quyền sở hữu công nghiệp là một trong những quyền tài sản được coi là tài sản hợp pháp của các cá nhân, tổ chức theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015. Cho nên, chủ sở hữu quyền này sẽ có đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Quyền sử dụng là một quyền có thể chuyển giao mà không làm thay đổi chủ sở hữu chúng. Với nhượng quyền thương mại cũng vậy, Bên nhượng quyền cho phép Bên nhận quyền sử dụng những những “giá trị kinh tế sẵn có” của mình mà không hề làm thay đổi chủ sở hữu. Hai hoạt động này đều có hướng đến những đối tượng sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, tên thương mại, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh... Nhưng những “giá trị kinh tế sẵn có” vừa nhắc đến trên còn bao gồm đối tượng nhiều hơn nữa, nó còn có khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, chiến lược quảng cáo phát triển thị trường,... Nói cách khác, hoạt động li xăng chỉ là một phần nhỏ của hoạt động nhượng quyền thương mại. Mà tại Điều 10 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định “chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được lập thành một phần riêng trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.”.

Tiếp theo về căn cứ xác lập, hai hoạt động kinh doanh này đều được xác lập trên cơ sở Hợp đồng, các Bên sẽ thỏa thuận về đối tượng, phạm vi, dạng hợp đồng, phí, quyền và nghĩa vụ của các Bên. Theo Luật sở hữu trí tuệ, hợp đồng li xăng gồm hợp đồng độc quyền, hợp đồng không độc quyền và hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp. Với nhượng quyền thương mại, không có điều khoản pháp luật liệt kê các dạng hợp đồng. Tuy nhiên theo các quy định hiện hành chúng ta có thể chia thành hai dạng chính là hợp đồng sơ cấp và hợp đồng thứ cấp. Ngoài ra, theo cách tiếp cận của các nhà kinh tế, cả hai hoạt động này đều có các dạng hợp đồng: sơ cấp, thứ cấp, độc quyền, không độc quyền, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài, trong nước,...

Hợp đồng li xăng sẽ có hiệu lực theo thỏa thuận của các Bên, tuy nhiên sẽ chỉ có hiệu lực với bên thứ ba khi đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, trừ li xăng nhãn hiệu (không phải đăng ký). Trong khi đó, hoạt động nhượng quyền thương mại bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Bộ Công Thương. Tuy nhiên với trường hợp nhượng quyền trong nước và nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài thì không cần thực hiện thủ tục đăng ký, thay vào đó là phải thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương tại nơi diễn ra hoạt động nhượng quyền.

Ngoài ra, sau khi ký kết hợp đồng, khi mà Bên nhận quyền sử dụng của li xăng được tự do cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp (trừ việc cải tiến nhãn hiệu), không phải mua các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị theo yêu cầu của Bên chuyển quyền nếu không nhằm mục đích đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ thì Bên Nhận quyền của nhượng quyền thương mại lại chịu sự theo dõi, dám sát chặt chẽ của Bên Nhượng quyền. Bên Nhượng quyền thương mại sẽ chỉ định cũng như hỗ trợ về nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, yêu cầu về địa điểm, cửa hàng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân viên, chiến lược marketing,... với Bên Nhận quyền. Chính vì vậy, pháp Luật quy định “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”. Điều này giúp đảm bảo sự phát triển và uy tín của cả Hệ thống nhượng quyền thương mại.

Với mỗi loại hình kinh doanh đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Tùy thuộc vào mục đích kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh, chi phí kinh doanh, chiến lược kinh doanh và rất nhiều yếu tố khác mà chúng ta có thể lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, giúp nhanh chóng đạt được những hiệu quả kinh tế. Li xăng hay nhượng quyền thương mại?...

NACI LAW,

Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn phòng  Hồ Chí Minh: Tầng 4 Lô A Số 974, đường Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Việt Nam: +84. 9789 38 505.

Luật sư Hàn Quốc: +84. 904 537 525.  

Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:

  1. Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
  2. Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
  3. Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.
  4. Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.
Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button