Tên doanh nghiệp là một trong những thông tin được đăng ký ngay khi thành lập công ty và được sử dụng trong tất cả các hoạt động của công ty. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Một số lưu ý mà các chủ doanh nghiệp cần nắm được khi lựa chọn tên cho doanh nghiệp của mình, điều này là cần thiết và bắt buộc.
- Tên doanh nghiệp bao gồm tên bằng tiếng việt, tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt.
Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự “Tên loại hình” + “Tên riêng”.
Tên tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
- Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Luật doanh nghiệp không có quy định bắt buộc đối với tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có thể đăng ký tên tiếng nước ngoài, tên viết tắt hoặc không. Tuy nhiên, có một lưu ý đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan thường sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải có tên tiếng nước ngoài.
Trình tự thủ tục đăng ký thành lập Công ty
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập Công ty, bao gồm:
Giấy đề nghị đăng ký thành lập;
Điều lệ Công ty;
Danh sách thành viên/danh sách cổ đông (đối với Công ty TNHH 2 Thành viên trở lên và Công ty Cổ phần)
Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý (CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với cá nhân, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức)
Giấy ủy quyền người đại diện thực hiện thủ tục.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với Nhà đầu tư nước ngoài)
Bước 2: Nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch –Đầu tư nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính.
Bước 3: Nhận kết quả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và tiến hành khắc con dấu.