Hỏi: Chúng tôi là những nhà đầu tư Hàn Quốc dự kiến đăng ký thành lập công ty 100% vốn Hàn Quốc với hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng khám chuyên khoa nội tổng hợp, chuyên khoa phụ sản và khoa răng – hàm – mặt. Vậy Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài có được kinh doanh loại hình này tại Việt Nam hay không? Pháp luật có quy định về vốn đầu tư tối thiểu hay không? Tại nội dung đăng ký thành lập dự án và thành lập doanh nghiệp, chúng tôi có bắt buộc phải đăng ký hoạt động phòng khám đa khoa hay không?
Đáp:
- Căn cứ quy định tại Mục 8 “Dịch vụ y tế và xã hội”, Phần II của Biểu Cam kết WTO, Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ, bệnh xá đa khoa (policlinic) là 2 triệu đô la Mỹ và cơ sở điều trị chuyên khoa là 200 nghìn đô la Mỹ.
Như vậy, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường đối với hoạt động dịch vụ của Phòng khám chuyên khoa, Công ty 100% vốn nước ngoài được kinh doanh trong lĩnh vực này. Ngoài ra, công ty phải đáp ứng điều kiện về mức vốn đầu tư tối thiểu là 200.000 đô la Mỹ đối với phòng khám chuyên khoa, không quy định về mức vốn đầu tư tối thiểu đối với Phòng khám đa khoa.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ y tế là hoạt động đặc thù vì vậy cơ quan đăng ký đầu tư có thể sẽ gửi văn bản hỏi ý kiến của Sở Y tế
- Căn cứ vào Điểm a, Điểm đ, Điểm g Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế thì Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật và phải theo một trong các hình thức tổ chức, trong đó có hình thức Phòng khám chuyên khoa, bao gồm: Phòng khám chuyên khoa nội tổng hợp; Phòng khám chuyên khoa phụ sản; Phòng khám chuyên khoa răng – hàm – mặt. Ngoài ra, Biểu cam kết WTO, các văn bản pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực về y tế không có quy định: khi nào thì bắt buộc phải thành lập phòng khám đa khoa thay vì phòng khám chuyên khoa. => Như vậy, có thể thấy rằng, việc đăng ký loại hình phòng khám chuyên khoa hay đa khoa là do nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp. Sau khi đăng ký ngành nghề kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp đề nghị đăng ký cấp giấy phép hoạt động của cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân tại Sở Y tế, nếu xét thấy cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
Để được tư vấn chi tiết về vấn đề pháp lý này, Qúy Khách hàng vui lòng liên hệ Naci Law để được hỗ trợ.
NACI LAW,
Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Khu văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn phòng Hồ Chí Minh: Tầng 4 Lô A Số 974, đường Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Luật sư Hàn Quốc: +84. 904 537 525.
Luật sư Việt Nam: +84. 9789 38 505.
Cam kết của Naci Law khi thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng:
- Luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
- Cập nhật, thông báo tiến độ theo giai đoạn cho khách hàng.
- Luôn tìm các phương án để hạn chế tốt nhất các rủi ro và giải quyết tận cùng nếu có các rủi ro phát sinh.
- Hoàn lại chi phí cho khách hàng nếu đã nỗ lực nhưng không thể hoàn thành được công việc.