Chưa phân loại

Doanh Nghiệp Chế Xuất

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Để phù hợp với quá trình hội nhập toàn cầu, việc tạo ra những cơ chế thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu là thực sự cần thiết. Việt Nam có nhiều lợi thế về địa lý, chính trị để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và gia công hàng hóa quốc tế, một trong số đó là các doanh nghiệp chế xuất được thành lập và nhận được rất nhiều ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất cũng như các ưu đãi khác. Trong bài viết này, Naci Law sẽ làm rõ các quy định pháp luật đối với nhà đầu tư nước ngoài về việc thành lập doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam.

  1. Doanh nghiệp chế xuất là gì?

Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Theo khoản 21, Điều 21 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế thì “Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.”

Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp chế xuất với các doanh nghiệp trong thị trường Việt Nam được coi là quan hệ xuất nhập khẩu và phải theo các quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu.

  1. Điều kiện đặc thù đối với doanh nghiệp chế xuất

2.1. Về ngành nghề đầu tư

Ngành nghề của doanh nghiệp chế xuất là sản xuất hàng công nghiệp để xuất khẩu.

Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư vào các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường. Ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường được quy định tại Mục A Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng quy định đối với các ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện (các điều kiện gồm: tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế, Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động đầu tư, Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia hoạt động đầu tư) quy định tại Mục B Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

*Lưu ý:

- Doanh nghiệp chế xuất được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan và đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Việc bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động chế xuất phải bảo đảm ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác;

+ Hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động chế xuất và các hoạt động kinh doanh khác;

+ Không được sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Trường hợp sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác thì phải hoàn trả ưu đãi về thuế đã được miễn, giảm theo quy định của pháp luật về thuế.

- Doanh nghiệp chế xuất được thành lập chi nhánh theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp để thực hiện hoạt động chế xuất. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều này nếu thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

2.2. Về cơ sở hạ tầng, thiết bị

Trong khu công nghiệp có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

  1. Ưu đãi đối với các doanh nghiệp chế xuất

Thứ nhất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC, doanh nghiệp chế xuất được hưởng mức thuế suất 17% kể từ 01/01/2016, khi doanh nghiệp chế xuất thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Phụ lục III của Nghị định 31/2021/NĐ-CP, cụ thể là mục số 55.

Đồng thời, doanh nghiệp chế xuất còn được miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như trên (Điều 6 Thông tư 151/2014/TT-BTC).

Thứ hai, ưu đãi tiền sử dụng đất:

Doanh nghiệp chế xuất được miễn tiền thuê đất 7 năm theo quy định tại điểm b, Khoản 3 Điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP.

Thứ ba, ưu đãi thuế xuất khẩu – nhập khẩu:

Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác thì không phải là đối tượng chịu thuế.

Doanh nghiệp chế xuất nằm trong khu phi thuế quan, do đó sẽ không phải chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp trên.

Lưu ý rằng, Doanh nghiệp chế xuất được hưởng ưu đãi đầu tư và chính sách thuế đối với khu phi thuế quan kể từ thời điểm mục tiêu đầu tư thành lập doanh nghiệp chế xuất được ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh hoặc Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền. Sau khi hoàn thành quá trình xây dựng, doanh nghiệp chế xuất phải được cơ quan hải quan có thẩm quyền xác nhận việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước khi chính thức đi vào hoạt động. Trường hợp doanh nghiệp chế xuất không được xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan thì không được hưởng chính sách thuế áp dụng đối với khu phi thuế quan. Việc kiểm tra, xác nhận, hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan của doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

  1. Thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất

Căn cứ theo quy định tại Luật đầu tư 2020 và Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, Nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ nộp lên Ban quản lý của KCN, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

c) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

d) Đề xuất dự án đầu tư;

đ) Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

e) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

f) Bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

h) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Cơ quan đăng ký đầu tư có văn bản lấy ý kiến của cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan. Sau khi có văn bản của cơ quan hải quan xác nhận về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo cam kết của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận mục tiêu thành lập doanh nghiệp chế xuất tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Sau khi doanh nghiệp chế xuất được thành lập, để được hưởng ưu đãi về thuế thì cần phải được cơ quan hải quan kiểm tra thực tế điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất. Trường hợp không đáp ứng điều kiện thì doanh nghiệp có thời hạn 01 năm kể từ ngày Chi cục Hải quan nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất cấp văn bản xác nhận lần đầu để hoàn chỉnh các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan.

Có thể thấy, loại hình doanh nghiệp chế xuất là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, thủ tục thành lập phức tạp, chặt chẽ hơn nhưng doanh nghiệp lại được nhiều lợi ích kinh tế. Qua bài viết này, hi vọng các bạn có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như thủ tục thành lập của doanh nghiệp chế xuất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.

 

TRẦN ĐỨC THIỆN

(Legal Consultant)

Facebook messengerFacebook messenger
Call Now Button