Thoả thuận cổ đông trong công ty cổ phần về bản chất là một hợp đồng giữa các cổ đông, người có liên quan nhằm quy định cụ thể các vấn đề về quản trị, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thoả thuận.
Đa số các chủ thể ở Việt Nam chưa có kinh nghiệm về việc đặt ra hoặc đề nghị ký kết thoả thuận cổ đông. Nếu Điều lệ doanh nghiệp là văn bản tiên quyết, bắt buộc để định hình, tổ chức bộ máy, cũng như xác định quyền và nghĩa vụ của cổ đông thì trong thực tế hoạt động, phát triển của doanh nghiệp luôn phát sinh các vấn đề về quyền lợi, trách nhiệm của cổ đông mà Điều lệ mẫu, quy định pháp luật hiện hành chưa có sự điều chỉnh cần thiết. Do đó, thỏa thuận cổ đông là văn bản thể hiện tính hiện thực để đảm bảo, điều chỉnh những phát sinh mới về quyền, lợi ích của cổ đông, những chủ thể có mối liên quan đến cổ đông theo sự thỏa thuận giữa các bên dựa trên nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện và không vi phạm vào điều cấm của pháp luật hiện hành. Việc đàm phán, trao đổi, ký kết thỏa thuận cổ đông sẽ tạo ra các nguyên tắc để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, chủ thể có liên quan mà Điều lệ công ty, pháp luật doanh nghiệp chưa có quy định để điều chỉnh.
Thực tiễn kinh doanh đã ghi nhận nhiều thoả thuận cổ đông được ký kết, không chỉ với vai trò “thoả thuận sáng lập viên” mà còn là thoả thuận giữa các cổ đông ngay cả sau khi công ty đã ra đời và đi vào hoạt động. Thoả thuận cổ đông là một văn bản hợp pháp điều chỉnh mối quan hệ giữa một số hoặc toàn bộ cổ đông trong một công ty.
- Lợi ích của việc lập thoả thuận cổ đông so với Điều lệ công ty
Điều lệ công ty thông thường phải công khai, công chúng có quyền tham khảo điều lệ của một công ty. Trong khi đó, thoả thuận cổ đông mang tính chất là thoả thuận riêng nên được bảo mật, không phải công khai. Tuy nhiên, đối với công ty cổ phần đại chúng trên thị trường chứng khoán thì để bảo vệ những nhà đầu tư nhỏ lẻ giao dịch trên sàn chứng khoán thì một số thoả thuận của cổ đông với tỉ lệ sở hữu lớn phải được thể một cách công khai, ví dụ đối với các thoả thuận chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu. Lợi ích của việc lập thoả thuận cổ đông bao gồm:
(a) Điều lệ công ty thường không bảo vệ tối đa quyền lợi của cổ đông thiểu số nên thoả thuận cổ đông được lựa chọn làm giải pháp cho vấn đề này
(b) Lợi thế của thoả thuận cổ đông là có tính cập nhật thường xuyên hơn so với Điều lệ công ty nên cổ đông thường xây dựng cho mình thoả thuận cổ đông thay vì quy định hẳn vào điều lệ công ty để tránh xáo trộn điều lệ công ty.
- Lợi ích của thành viên khi tham gia ký kết thoả thuận cổ đông
Thoả thuận cổ đông được hiểu là sự thoả thuận giữa hai hay nhiều cổ đông công ty với nhau về vấn đề nào đó liên quan đến công ty, đến quyền lợi của cổ đông. Tuỳ thuộc vào nhu cầu của các thành viên tham gia ký kết thoả thuận cổ đông mà các điều khoản với nội dung tương ứng được lựa chọn để đưa vào trong thoả thuận cổ đông. Theo kinh nghiệm của Luật sư Công ty Naci Law, một thoả thuận cổ đông thường sẽ bao các nội dung chính sau :
- Mục đích, phạm vi của thoả thuận và việc góp vốn, sở hữu cổ phần của cổ đông;
- Điều kiện chuyển nhượng cổ phần của công đông khi đang sở hữu cổ phần trong công ty;
- Quyền ưu tiên mua cổ phần tăng thêm của cổ đông hiện hữu;
- Quyền cùng bán cổ phần của cổ đông;
- Phân chia lợi nhuận và lỗ từ hoạt động kinh doanh của công ty;
- Quy định về Họp đại hội đồng cổ đông và quyền biểu quyết của các cổ đông;
- Vi phạm thoả thuận;
- Điều khoản chung bao gồm quy định về chuyển nhượng và kế thừa, luật điều chỉnh thoả thuận, giải quyết tranh chấp, tính riêng rẽ, mâu thuẫn với điều lệ, không từ bỏ….
Trên thực tế, một số trường hợp cụ thể xảy ra làm phát sinh nhu cầu về việc tham gia ký kết thoả thuận cổ đông là giải pháp tối ưu để bảo vệ lợi ích của các cá nhân, tổ chức như sau:
Tình huống 1: Công ty cổ phần A niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE gặp khó khăn trong kinh doanh dẫn đến giá cổ phiếu của công ty A liên tục giảm. Các thành viên nắm giữ cổ phần của công ty đối mặt với rủi ro các cổ đông công ty bán cổ phần mình đang nắm giữ dẫn đến giá cổ phiếu ngày càng xuống thấp do tâm lý đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Giải pháp tối ưu: Trong trường hợp này, các cổ đông công ty nên ký kết thoả thuận cổ đông để cam kết sẽ cùng nhau tự giới hạn không chuyển nhượng số cổ phiếu mà mình nắm giữ trong một thời hạn cụ thể thống nhất giữa các bên, có thể là 1 năm để tránh tình trạng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu công ty trên thị trường chứng khoán.
Tình huống 2: Nhà đầu tư nước ngoài B có kế hoạch đầu tư vào công ty cổ phần C dưới hình thức mua cổ phần của Công ty C. Rủi ro mà nhà đầu tư nước ngoài là việc tiền vốn góp có thể bị thất thoát do hoạt động quản trị công ty tác động đến hiệu quả tài chính của công ty C trong trường hợp nhà đầu tư B không tham gia vào bộ máy điều hành của công ty C.
Giải pháp tối ưu: Nhà đầu tư nước ngoài B cùng toàn bộ các cổ đông (thành viên khác cùng công ty C) giao kết thoả thuận cổ đông. Trong thoả thuận cổ đông sẽ đề cập đến các nội dung nhất định phải có sự chấp thuận trước của nhà đầu tư B trước khi được đem ra thảo luận và biểu quyết của tại Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng thành viên của công ty C bao gồm:
- Kế hoạch sử dụng vốn góp của nhà đầu tư B
- Việc sửa đổi điều lệ hoặc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp
- Các hoạt động liên quan đến việc bán tài sản hoặc nhóm tài sản của công ty có giá trị giao dịch bằng hoặc cao hơn một tỷ lệ phần trăm nhất định đối với giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp tính theo báo cáo tài chính năm trước.
- Việc công ty giao dịch cổ phần hoặc chứng khoán đối với công ty khác.
- Tỷ lệ phân chia cổ tức của công ty
- Công ty thực hiện hoạt động kinh doanh mới
- Thay đổi thông tin kiểm toán của doanh nghiệp
Kết luận: Thông qua một số thảo luận về lợi ích của việc lập thoả thuận cổ đông so với Điều lệ công ty, lợi ích của thành viên khi tham gia ký kết thoả thuận cổ đông, cùng một số tình huống nên sử dụng thoả thuận cổ đông là giải pháp tối ưu để bảo vệ lợi ích thành viên tham gia ký kết trong thực tiễn. Từ đó để cổ đông xây dựng các nguyên tắc quản trị, điều hành chi tiết không bị trái với điều lệ công ty, các quy định của pháp luật.
NACILAW,
Luật sư Vũ Thanh Hảo